Đang xử lý.....

Võ Văn Tần - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam 

Võ Văn Tần (bí danh Bảy, Già Trầu) sinh năm 1891 trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước tại làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
 

Chân dung đồng chí Võ Văn Tấn (1891-1941)
Chân dung đồng chí Võ Văn Tần (1891-1941)

 

Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, Võ Văn Tần sớm lao động cực nhọc vừa tần tảo phụ giúp gia đình vừa tìm hiểu, trải nghiệm nhiều mặt của đời sống xã hội. Ông từng lên Sài Gòn làm nghề kéo xe tay, về làm biện làng, dạy học, lãnh đạo nông dân đấu tranh chống địa chủ cường hào, bị địch bắt,… ông càng nhận rõ những bất công của chế độ thực dân phong kiến và sớm tìm đến cách mạng.

Năm 1926, từ Hội kín Nguyễn An Ninh, ông chuyển sang gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Do Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên có sự phân hóa, năm 1929, ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng nhưng vẫn tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc và gầy dựng cơ sở cách mạng ở địa phương.

Ngày 6-3-1930, sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Võ Văn Tần đứng ra thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở làng Đức Hòa, cũng là chi bộ sớm nhất của tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Giỏi vận động và có tài tổ chức, Võ Văn Tần nhanh chóng phát triển phong trào.

Tháng 5-1930, ông được bầu làm Bí thư Quận ủy Đức Hòa, một trong số Quận ủy đầu tiên trong tỉnh. Ngày 4-6-1930, Võ Văn Tần cùng với Châu Văn Liêm (Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định – Chợ Lớn) lãnh đạo nông dân tiến hành cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất ở Nam kỳ tại quận lỵ Đức Hòa. Cuộc biểu tình bị đàn áp, Châu Văn Liêm hy sinh, Võ Văn Tần bị địch truy nã và kết án tử hình vắng mặt.

Cuối năm 1931, ông thay Lê Quang Sung (bị bắt) làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Từ năm 1932 - 1935 trong điều kiện thực dân Pháp đàn áp khủng bố gắt gao, Võ Văn Tần chuyển hướng hoạt động về quê mẹ ở làng Tân Thới Thượng, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định; đồng thời vẫn cải trang đi về Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn để liên lạc, chỉ đạo xây dựng cơ sở, duy trì các cuộc đấu tranh của quần chúng, tìm người tái lập Xứ ủy.

Ông lần lượt trải qua nhiều trọng trách: Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (1932), cán bộ Xứ ủy (1933), trở lại thay Trương Văn Bang (bị bắt) làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, vào cấp ủy Đặc ủy Vàm Cỏ Đông (1934), ông góp công sức lớn vào việc khôi phục tổ chức và phong trào cách mạng ở các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Trà Vinh, tham gia xây dựng lại Xứ ủy.

Khi Xứ ủy được phục hồi (5-1935) và sau Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao (Trung Quốc), Võ Văn Tần được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy (người em là Võ Văn Ngân làm Bí thư). Năm 1937, Võ Văn Ngân bị bệnh, Võ Văn Tần được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy và bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Được làm việc trực tiếp và học tập kinh nghiệm từ các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập,… Võ Văn Tần đã phát huy vai trò lãnh đạo, năng động trong việc gây dựng, mở rộng và phát triển phong trào cách mạng không chỉ ở Gia Định, miền Đông mà còn ở các tỉnh miền Tây Nam kỳ.

Từ năm 1937 đến năm 1940, với tư cách là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Võ Văn Tần tiếp tục có nhiều đóng góp lớn vào xây dựng phong trào cách mạng ở Nam kỳ theo chiều hướng phát triển mới qua các hội nghị Trung ương Đảng, nhất là hội nghị lần thứ 4 (28-5 đến 4-9-1937), lần thứ 5 (29 đến 30-3-1938) và đặc biệt là hội nghị lần thứ 6 (11-1939) tại Bà Điểm, Hóc Môn, làm tiền đề của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Ngày 21-4-1940, do có kẻ khai báo, Võ Văn Tần bị địch bắt ở Hóc Môn và kết tội “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc bạo loạn ở Nam kỳ”. Trong lao tù chờ ngày lãnh án tử hình, dù bị địch tra tấn dã man, Võ Văn Tần luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất và khí tiết của người cộng sản.

Ngày 28-8-1941 (6-7-Tân Tỵ) Võ Văn Tần bị thực dân Pháp đem xử bắn cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta như: Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai,… tại mô bắn Hóc Môn. Trước khi đi xa, ông kịp dặn các đồng chí bằng những dòng chữ viết lên tường xà lim: “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng”. Võ Văn Tần luôn thể hiện khí phách yêu nước kiên cường, một nhân cách cộng sản sáng ngời, một tấm gương sáng của người lãnh đạo cho hậu thế soi chung.

Ngày nay, tượng đài Võ Văn Tần được dựng tại quê hương ông (thị trấn Đức Hòa). Tại Long An, TP.HCM và nhiều địa phương khác có tên đường, tên trường mang tên ông - Võ Văn Tần. Năm 2014, ông được Bộ Chính trị kết luận là vị “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đã giữ cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước trước năm 1945” (Kết luận số 88-KL/TW, ngày 18-2-2014 của Bộ Chính trị “về tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh… lãnh đạo tiền bối tiêu biểu”)./.

Tuấn Anh (St)

 

loading....