VAI TRÒ CỦA HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
VÀ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THẾ GIỚI
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước - giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với bao cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại. Phong trào cứu nước của nhân dân Việt Nam đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Chính lúc đó, bằng sự mẫn cảm chính trị và qua tìm hiểu thực tiễn cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua hạn chế của các bậc tiền bối, Người đã sớm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười; tìm ra con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam. Cách mạng vô sản - đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ đó, Người mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng mở ra con đường giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhận rõ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ khi Đảng ra đời, Người luôn chăm lo từng bước trưởng thành của Đảng, rèn luyện Đảng thành đội tiên phong vững vàng, sáng suốt của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất. Đó là khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, tạo ra sức mạnh vô địch vượt qua mọi thử thách khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù. Người đã nêu lên luận điểm nổi tiếng:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết;
Thành công, thành công, đại thành công”.
Đây chính là tư tưởng chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Mặt trận là nhân tố quan trọng bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam thành một đội quân cách mạng “trung với nước, hiếu với dân”. Từ thực tế hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người đã góp phần cùng với Đảng ta nâng nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam lên một tầm cao mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và tự do, sánh vai cùng các dân tộc đấu tranh không mệt mỏi cho một xã hội công bằng, tiến bộ, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, là người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng ta, với những trang hào hùng nhất trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, đã đi vào lịch sử và sống mãi với muôn đời sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ quốc tế mẫu mực, thuỷ chung, trong sáng, đã có cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức, vào việc củng cố phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vào việc đoàn kết các lực lượng vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành độc lập, tự do. Đó là một sự nghiệp nhân văn cao cả. Bởi giải phóng con người khỏi thân phận nô lệ, khỏi cái đói, cái rét, cái dốt là một sự nghiệp nhân văn có ý nghĩa cao cả nhất, là ước mơ ngàn đời của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, lấy đó làm cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy vai trò và sức mạnh của văn hoá, đưa văn hoá vào chiến lược phát triển của đất nước. Người đã đưa văn hoá đi sâu vào quần chúng, mở chiến dịch chống nạn dốt, phát động phong trào xây dựng đời sống mới, xem thói quen và những truyền thống lạc hậu cũng là một loại kẻ thù, phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân.
Năm 1987, Tổ chức Giáo dục - Văn hoá - Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hoá kiệt xuất".
“Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội… Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh - ở Người không chỉ tập trung cao nhất những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới mà Người còn đề ra những nguyên tắc cơ bản để xây dựng một nền đạo đức mới định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng cũng như cho việc rèn luyện của mỗi người. Đó là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng; nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; Xây đi đôi với chống và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng có ý nghĩa thời sự to lớn. Thực tế đất nước đang đòi hỏi phải xây dựng nền đạo đức Việt Nam ngang tầm với những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn soi sáng cho Đảng và nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp vẻ vang đó.
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đại hội khẳng định: Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991) khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.
Từ sau Đại hội VII của Đảng, công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng; hoạt động tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều cố gắng, nhờ đó đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Bước sang thế kỷ XXI, đất nước ta có nhiều vận hội lớn, song cũng đứng trước những thách thức không nhỏ với diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) một lần nữa khẳng định:
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.
Đại hội X của Đảng (04/2006) tiếp tục khẳng định việc vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (01/2011) tiếp tục khẳng định giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa ra khái niệm cụ thể, có tính hệ thống, toàn diện và sâu sắc: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Rõ ràng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 01/2011) đã xác định khá toàn diện và có hệ thống những vấn đề cốt yếu của nội hàm khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Văn kiện Đại hội XII đã tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta.
Nói tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Bằng thiên tài trí tuệ và bản lĩnh cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công hệ quan điểm cách mạng toàn diện, hệ thống và sáng tạo để truyền bá vào Việt Nam, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần đoàn kết chiến đấu, về đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
Sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tài sản tinh thần vô giá của các thế hệ người Việt Nam, luôn tỏa sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Theo đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, cần thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo những nguyên lý và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ tất thắng của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 90 năm qua và tiếp tục soi sáng con đường chúng ta tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.